Nhà bếp kiểu hành lang
Nhà bếp kiểu hành lang bao gồm hai bức tường song song cách nhau khoảng 1,2 mét sau khi tủ đã được lắp đặt xong. Phòng bếp hành lang là một không gian chật, hẹp thường thấy ở các chung cư, căn hộ, khu dân cư dành cho một gia đình nhỏ.
Nhà bếp kiểu hành lang sẽ hạ thấp giá trị bán lại của căn nhà nếu nhà đủ rộng để xây dựng một nhà bếp lớn hơn. Đồ họa: Phương Duy
Ưu điểm:
Về mặt chức năng nhà bếp, bố trí kiểu hành lang có ưu thế khi tất cả tiện ích quan trọng đều nằm trong tầm tay. Nhà bếp kiểu hành lang được thiết kế trong một khu vực riêng biệt, để lại nhiều diện tích sàn hơn trong nhà dành cho các hoạt động khác.
Nhược điểm:
Nhược điểm chính của nhà bếp hành lang là chúng thường chỉ phục vụ cho nấu nướng. Do không gian chật hẹp, khó có thể bố trí một khu vực ăn uống hoặc đảo bếp trong nhà bếp. Tuy nhiên, do khoảng cách của hai quầy song song gần nhau nên không cần đảo bếp.
Thiết kế nhà bếp hình chữ L
Thiết kế nhà bếp hình chữ L là một thiết kế cổ điển đáp ứng nhu cầu của hầu hết các ngôi nhà có diện tích trung bình và đã được sử dụng thành công trong nhiều thập kỷ.
Phòng bếp sẽ được thiết kế theo hình chữ "L", tủ trải rộng theo hai hướng, thường có một phần tủ dài hơn phần còn lại. Đồ họa: Phương Duy
Ưu điểm:
Thiết kế này sử dụng khái niệm tam giác nhà bếp, quy trình làm việc được tổ chức theo hình tam giác giữa bếp nấu, tủ lạnh và bồn rửa. Mặc dù đây không phải là cách bố trí duy nhất để tận dụng lợi thế của tam giác nhà bếp, thiết kế hình chữ L nhỏ gọn và tiết kiệm chi phí nhất trong sử dụng tam giác nhà bếp.
Thiết kế này cũng mở rộng không gian sàn để bổ sung thêm khu vực ăn uống hoặc một đảo bếp.
Đồng thời, nhiều xưởng sản xuất tủ bếp có các bộ tủ âm tường phù hợp với thiết kế nhà bếp hình chữ L.
Nhược điểm:
Không gian tủ đặt trong góc sâu sẽ khó lấy vật dụng. Do đó, không gian tủ ở góc cuối cùng thường trở thành một kho chứa đồ cũ, lọ và các vật dụng ít sử dụng khác. Có một cách để khắc phục vấn đề này là lắp đặt kệ lazy susan để dễ dàng sử dụng các vật dụng trong không gian hẹp này.
Thiết kế phòng bếp một bức tường
Thiết kế bố trí nhà bếp một bức tường rất phù hợp cho những không gian dài và hẹp. Mọi thứ trong nhà bếp, bao gồm tủ, bồn rửa, tủ lạnh, bếp nấu và máy rửa bát đều tập trung trên một bức tường dài.
Đồ họa: Phương Duy
Ưu điểm:
Thiết kế phòng bếp một bức tường rất đơn giản và dễ lắp đặt. So với chi phí sửa sang lại theo các thiết kế nhà bếp khác, thiết kế một bức tường khá rẻ vì nó sử dụng ít tủ hơn.
Mặc dù nó không sử dụng quy tắc phòng bếp hình tam giác cổ điển, nhưng thiết kế của nó vẫn đảm bảo sự thuận tiện cho người sử dụng.
Nhược điểm:
Không gian quầy cực kỳ hạn chế. Có thể giảm thiểu vấn đề này bằng cách lắp đặt một đảo bếp chạy song song với các tủ bếp. Bên cạnh đó, các tiện ích nhà bếp bị đặt cách xa nhau hơn so với các kiểu bố trí khác.
Thiết kế bố cục nhà bếp hình chữ U
Thiết kế nhà bếp hình chữ U bao gồm ba phần tủ cơ sở tạo thành chu vi của một không gian, với một lối mở. Thiết kế hình chữ U cần phải có sẵn ba bức tường để có thể lắp đặt. Tuy nhiên, thay vì cần bức tường thứ ba, bạn có thể lắp đặt một đảo bếp ngoài bên cạnh hai bức tường. Đảo bếp này có thể bao gồm tủ và một quầy bếp.
Đồ họa: Phương Duy
Ưu điểm:
Thiết kế nhà bếp hình chữ U ưu việt hơn nhiều cách bố trí khác vì nó gói gọn nhiều chức năng hơn vào trong một không gian.
Thiết kế này cho phép nhà bếp có nhiều tủ tường phía trên hơn so với các cách bố trí khác.
Nhược điểm:
Thiết kế nhà bếp hình chữ U sẽ tạo nên một ngõ cụt ngăn cản sự di chuyển trơn tru trong ngôi nhà.
Bên cạnh đó, trừ khi bạn có đủ không gian, nếu không, sẽ rất khó để sử dụng một đảo bếp đủ lớn và thực sự hữu ích trong một thiết kế nhà bếp hình chữ U.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét